Các hình thức chân lý Chân_lý

Chân lý khoa học

Chân lý khoa học là hệ thống tri thức được thừa nhận rộng rãi, được xem là khoa học. Chân lý khoa học được tạo ra dựa trên niềm tin điều gì xảy ra ở một không gian và thời gian này sẽ diễn ra ở một không gian và thời gian khác với những đối tượng cùng loại nghĩa là người ta tin rằng quy luật có tồn tại. Tri thức khoa học được tạo ra bằng các phương pháp tư duy như quy nạp, suy diễn và trừu tượng hóa. Chúng là những mô hình con người dựng lên để mô phỏng và giải thích thế giới khách quan chứ không phản ánh đầy đủ và chính xác thế giới khách quan. Khoa học tồn tại dựa trên nhận thức của con người về sự tất định. Tuy nhiên quy luật có thật sự tồn tại không hay chỉ là cách con người nhận thức về thế giới là một vấn đề triết học vẫn còn đang được tranh luận. Không thể phân biệt được một tri thức khoa học và một tri thức không phải là khoa học. Người ta chỉ có thể sử dụng các phương pháp tư duy như quy nạp, diễn dịch để đưa ra một tri thức rồi kiểm chứng nó sau đó cho rằng nó là tri thức khoa học. Tri thức này sẽ được xem là "chân lý khoa học" cho đến khi có người tìm ra bằng chứng phủ định nó. Điều đó có nghĩa một tri thức khoa học luôn có thể bị phủ định nên không thể xem là chân lý. Người ta cố gắng đạt đến sự nhất quán trong hệ thống tri thức khoa học nghĩa là các tri thức tương thích với nhau về mặt logic hình thức.

Chân lý tuyệt đối

Chân lý có tính cách tương đối. Chân lý tuyệt đối là sự tổng hợp vô tận những chân lý tương đối. Không một tri thức cụ thể nào của con người có thể xem là chân lý tuyệt đối mà chỉ là một phần rất nhỏ của chân lý tuyệt đối.[2]

Chân lý thuần lý

Là chân lý ta biết được bằng lý trí, bằng trí tuệ nhờ suy diễn logic. Chân lý hay Sai lầm chỉ có khi con người xác nhận điều gì, tức là họ phán đoán. Nếu không phán đoán thì con người không có sai lầm mà cũng không có được chân lý. Chân lý thuần lý được rút ra từ giả định thế giới khách quan tuân theo những quy tắc logic hình thức, những định lý toán học mà con người đã biết. Tuy nhiên một tri thức được rút ra từ quá trình suy lý có thật sự là chân lý không còn cần được kiểm chứng. Chỉ khi nào nó phản ánh chính xác thực tế thì mới được xem là chân lý.